Nỗi sợ là một loại của cảm xúc quan trọng giúp con người tồn tại và phát triển. Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường nghe tới khái niệm “vượt qua nỗi sợ của bản thân”. Vậy, nỗi sợ thực sự là gì? Nó có thật sự tồn tại không và làm thế nào chúng ta có thể vượt qua được ?
Nỗi sợ có thật sự tồn tại ?
Con người cần biết sợ để giữ an toàn, giống như việc sợ thú dữ, sóng thần, thiên tai hỏa hoạn để biết tránh và trú ẩn. Nỗi sợ là một cơ chế bảo vệ con người một cách tự nhiên, được tích lũy và truyền qua nhiều thế hệ. Ngay cả khi chúng ta chưa từng gặp thú dữ, chúng ta cũng biết sợ.
Có nhiều loại nỗi sợ. Một số xuất phát từ trải nghiệm cá nhân đau thương, một số khác là bản năng từ thế hệ trước. Xét theo góc độ tương tác, có nỗi sợ trực quan và nỗi sợ tâm thức. Nỗi sợ trực quan là khi chúng ta nhìn thấy thứ gì đó nguy hiểm, phản xạ của chúng ta là tránh xa. Nỗi sợ tâm thức là sợ bị phán xét hay bỏ lỡ một điều gì đó. Dù trực quan hay tâm thức, phản xạ chung là tìm kiếm cảm giác an toàn.
Nhu cầu được an toàn là nhu cầu cơ bản và không thể phủ nhận của con người. Tuy nhiên, chúng ta không thể luôn ở trong căn phòng an toàn với 4 bức tường. Có nhiều mức độ an toàn khác nhau. Giống như mỗi công ty sẽ có hệ thống đảm bảo an toàn khác nhau tùy thuộc vào trình độ kỹ thuật cũng như kinh nghiệm của người phụ trách. Vậy với mỗi chúng ta để vượt qua nỗi sợ hay là nới lỏng vùng an toàn, cần trang bị thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm.
Mình đã chinh phục nỗi sợ chạy 42km như nào ?
Mình đã bắt đầu chạy hơn hai năm trước. Vốn là đứa đam mê hoạt động thể dục thể thao nên việc chạy với mình không quá khó khăn. Khó khăn là việc duy trì thói quen chạy hàng tuần. Mình dễ dàng chinh phục các mốc 10km, 21km, và mình nghĩ rằng 42km cũng vậy. Nhưng mình đã lầm, nói đúng hơn là ảo tưởng. Mỗi lần chạy dài hơn 21km, cơ thể mình bắt đầu phản ứng: chân nặng, tim đập nhanh, thở gấp, vai căng cứng.
Một người bạn động viên mình đăng ký chạy 42km, lúc đó còn ba tháng nữa là tới ngày đua. Khi chạm tới km số 22 trong các buổi tập dài cuối tuần, mình cảm thấy hoang mang và sợ hãi. Mình đã khóc khi nghĩ tới ngày race làm sao có thể chạy tiếp được 20km nữa với đôi chân và cơ thể này.
Và rồi khi nhìn sâu vào bên trong, mình nhận ra nỗi sợ này xuất phát từ việc thiếu thể lực và sợ bị phán xét nếu không hoàn thành. Với vấn đề thể lực, cách duy nhất là cần lập kế hoạch rèn luyện trong vòng 3 tháng tới theo hướng dẫn của mấy anh chị RUN365. Còn với nỗi sợ tâm lý, nếu mình đã cố gắng hết sức mà vẫn không hoàn thành, mình vẫn xứng đáng được tự hào.
Và ngày đua đến, mình cứ chạy từng bước từng bước, nhắc bản thân cố thêm một bước nữa. Yeahh mình đã chinh phục được 42km, cảm thấy tự hào về bản thân. Hóa ra 42km không đáng sợ như mình vẫn nghĩ.
Chinh phục nỗi sợ nước ?
Mình rất sợ nước và đã thất bại trong hai lần học bơi trước đây. Tuy nhiên, được bạn bè truyền cảm hứng, mình quyết tâm đăng ký học bơi thêm một lần nữa tại bể bơi Phú Thọ, bể bơi sâu 2,5m đạt tiêu chuẩn cho thi đấu. Ngày đầu tiên gặp thầy, với tinh thần thể thao cao ngút, cộng thêm khoản đã biết nổi nước, thầy giáo rất tự tin học trò sẽ sớm biết bơi. Nhưng sau 3 tháng khi hết lớp này đến lớp khác tốt nghiệp, mình vẫn ở đó, vẫn không dám bỏ phao vì sợ đuối nước.
Cho đến một ngày nọ, thấy 1 bạn nhỏ xuống nước rất thoải mái và không hề sợ hãi, mình cũng muốn thử. Sau nhiều lần do dự, mình vẫn không dám nhảy xuống. Rồi “uỳnh” có một thầy ở phía sau bất ngờ đẩy mình xuống nước. Khi đạp chân, mình nổi lên thay vì chìm như mình nghĩ. Từ đó, mình bỏ phao và cảm nhận nước tốt hơn. Trải nghiệm học bơi cũng là một trải nghiệm khiến bản thân mình rất tự hào.
Nỗi sợ nghỉ việc và thất nghiệp
Nỗi sợ không chỉ dừng lại ở những thử thách thể chất. Nó còn bao gồm cả những thay đổi lớn trong cuộc sống, như việc nghỉ việc hay thất nghiệp. Mình từng làm công việc ổn định tại AstraZeneca trong tám năm. Tuy nhiên, sau thời gian dài làm việc, mình nhận thấy cần thay đổi và quyết định nghỉ việc, bắt đầu tìm cách đi trên con đường riêng của mình. Quyết định này đi kèm với rất nhiều nỗi sợ.
Nghỉ việc đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập ổn định. Mình sợ nếu bản thân và gia đình có vấn đề gì xảy ra thì mình có gánh vác được không ?. Mình sợ nếu con đường mình chọn thất bại thì sẽ bị mọi người cười chê. Mình sợ thời buổi kinh tế khó khăn, việc tìm kiếm một công việc mới sẽ không đơn giản…
Tuy nhiên, cũng giống như việc chạy 42km hay việc học bơi, mình chia nhỏ và tìm cách xử lý từng nỗi sợ. Vấn đề tài chính, mình cần chuẩn bị một khoản tài chính dự phòng cho những tình huống khẩn cấp và không quên sử dụng điểm tựa bảo hiểm nhân thọ. Vấn đề sợ thất bại, mình tự nhủ không ai quan tâm tới mình nhiều như mình nghĩ, chỉ cần bản thân cố gắng và kiên trì là được.
Đổi lại thời gian này cho mình cơ hội để khám phá bản thân, tìm hiểu những điều mình thực sự đam mê và muốn theo đuổi. Mình đã dành thời gian để học hỏi, tham gia các khóa học, và gặp gỡ những người có cuộc sống khác mình trước kia. Qua đó, mình tự tin và tin tưởng vào bản thân nhiều hơn, mình biết dù có chuyện gì thì mình cũng có thể vượt qua, kể cả việc thất bại.
Nỗi sợ gap-year một năm
Mình đã từng ước có trải nghiệm gap-year như mấy bạn nước ngoài. Mấy bạn ấy gap-year trước khi vào đại học để khám phá bản thân. Còn mình thì gap-year sau khi đi làm tám năm. Quyết định này cũng không dễ dàng vì nó đi kèm với nỗi sợ bị lãng phí thời gian, bị bỏ lại phía sau và không đạt được gì sau một năm. Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường bị áp lực phải liên tục làm việc và tiến lên phía trước. Việc dành một năm để không làm việc như bình thường dường như là điều không tưởng.
Mình trân trọng và biết ơn cơ hội dành tặng chính mình một năm gap year để nạp lại năng lượng, tìm hiểu thêm về giá trị bản thân và xác định rõ hành trình mình muốn đi (Hành trình Xanh & Tối giản, Hành trình tự do). Trong thời gian này, mình học thêm nhiều điều mới, làm thêm nhiều thứ mới, dành thời gian chất lượng cho những người mình yêu thương. Và mình tin mình được nhiều hơn là mất sau một năm.
Bài học từ những nỗi sợ
Rõ ràng, có những nỗi sợ tồn tại là do bản thân chưa có đủ kinh nghiệm và trải nghiệm để học cách vượt qua. Việc của chúng ta không phải xóa bỏ nỗi sợ bằng việc tự kỷ ám thị, ngày ngày tự nhủ với bản thân “đừng sợ, đừng sợ”, mà là học cách vượt qua nỗi sợ để nới rộng vùng an toàn của chúng ta.
Mỗi nỗi sợ đều là một cơ hội để chúng ta học hỏi và phát triển. Khi đối mặt với nỗi sợ, điều quan trọng là không trốn tránh mà dũng cảm đối diện và tìm cách vượt qua. Dù đó là nỗi sợ chạy 42km, nỗi sợ nước, hay nỗi sợ về sự nghiệp, mỗi lần vượt qua nỗi sợ, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.